Deutschland online bookmaker http://artbetting.de/bet365/ 100% Bonus.
Dự thảo luật xây dựng sửa đổi: Kỳ vọng lớn
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Quốc hội khóa XIII Phan Xuân Dũng, Luật Xây dựng (sửa đổi) “không chỉ khó mà còn rất khó”. Bởi phạm vi điều chỉnh của luật rất lớn, liên quan đến các luật mới ban hành và có tầm quan trọng lớn đối với nền kinh tế. Đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng cho các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam.
Ban soạn thảo Luật Xây dựng (sửa đổi): Sẵn sàng tiếp thu ý kiến đóng góp
Sự có mặt và lắng nghe ý kiến của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng – Trưởng ban Soạn thảo Dự án Luật Xây dựng sửa đổi tại Hội thảo khoa học về dự án Luật đã được các đại biểu tham dự đánh giá cao.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Trưởng ban Luật pháp chính sách TW Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Uỷ viên UB Pháp luật Quốc hội cho biết, sự có mặt của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và rất nhiều cơ quan của Bộ đã thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm trong việc tham gia xây dựng Luật của vị tổng tư lệnh ngành, vì vừa qua “rất nhiều Bộ trưởng ủy quyền cho Thứ trưởng, thậm chí Thứ trưởng lại ủy quyền cho Vụ trưởng”.
Như vụ “thủy điện Sông Tranh” vừa qua, nếu không có sự vào cuộc của Bộ trưởng Bộ Xây dựng kiểm tra, kết luận kịp thời để trấn an người dân thì sẽ “còn cãi nhau chán”.
Phó chủ tịch Hiệp hội Luật xây dựng Việt Nam Trần Việt Hùng nhận định, đây là một luật soạn thảo rất khó khăn. Các Luật ra đời gần đây đều liên quan đến Luật Xây dựng. Tuy nhiên, Ban soạn thảo đã làm rất công phu, tổ chức lấy ý kiến của các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp, chuyên gia trong nước cũng như nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước để vận dụng vào thực tế ở Việt Nam.
Theo ông Trịnh Văn Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài Chính, Luật Xây dựng (sửa đổi) đã bổ sung thêm nhiều nội dung rất phù hợp và thuận lợi cho người quản lý và đối tượng thực hiện. Đặc biệt, tại Điều 4, Ban soạn thảo đã phân biệt rõ các nguồn vốn để có những biện pháp quản lý cho phù hợp, kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng thông qua việc “tiền kiểm” của các cơ quan quản lý nhà nước, thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển.
TS Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam chia sẻ: “Đây là luật rất quan trọng, và rất mừng là các cơ quan hữu quan rất quan tâm đến ý kiến đóng góp” để xây dựng Luật. “Chưa thấy có Bộ nào cẩn thận như Bộ Xây dựng” khi Bộ trưởng đã 2 lần nghe ý kiến của Tổng hội để hoàn thiện dự án Luật.
TS Liêm gợi ý: Việc sửa đổi Luật là rất cần thiết, nhưng đồng thời chúng ta cũng nên nghĩ đến luật mới để chuẩn bị cho chiến lược 10 năm sắp tới. Luật mới này phải đổi mới toàn diện, phù hợp với thông lệ quốc tế, nếu không, chúng ta sẽ không thể cạnh tranh được với khu vực và quốc tế.
Các đại biểu đặt kỳ vọng vào Luật Xây dựng (sửa đổi)
Phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng được áp dụng đối với nhiều đối tượng sử dụng mọi nguồn vốn, kể cả xây dựng nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình đến các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, vì vậy, nhiều đại biểu tham dự cuộc họp đã rất tích cực trong việc đóng góp những ý kiến đầy tâm huyết với kỳ vọng Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ góp phần giải quyết những bất cập, khó khăn vướng mắc của Luật Xây dựng năm 2003, tạo hành lang pháp lý phù hợp với luật và thông lệ quốc tế để tăng cường hơn nữa hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng - một lĩnh vực chiếm tới 70% tổng mức đầu tư xã hội.
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết, mặc dù Hội thảo diễn ra trong ½ ngày, nhưng đã có 13 lượt ý kiến trong tổng số hơn 60 chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý tham gia Hội thảo. Các đóng góp của các vị đại biểu đều được chuẩn bị rất công phu và trách nhiệm, thậm chí nhiều đại biểu đã đăng ký tham gia ý kiến nhưng phải gửi bằng văn bản cho Ban soạn thảo do khuôn khổ giới hạn của Hội thảo.
Ông Dũng nhấn mạnh: “Luật Xây dựng (sửa đổi) không phải của Bộ Xây dựng hay của Chính phủ mà là của tất cả mọi người”. Ông Dũng kỳ vọng sẽ tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, các chuyên gia, những người hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và của người dân để hoàn thiện Dự án Luật này, để Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ “có hiệu quả, có sức sống 10 - 15 năm sau”.
Dự kiến, Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2013) tới và thông qua vào kỳ họp thứ 7 (năm 2014).